'Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình' là 1 phép hoán dụ, ám chỉ bạn nên tìm kiếm những mối quan hệ mới mọi lúc, mọi nơi; không phải người này thì người khác và bằng cách này và cách khác, luôn để họ nhớ đến sự tồn tại của bạn. Ngay lúc này, bạn thấy nó đồng nghĩa với khái niệm Tương Tác (Engagement).
Dù bạn đọc bất kỳ sách vở nào, các tác giả đều xây dựng 1 nội dung dẫn dắt bạn qua 4 công việc cần làm để tạo nên các mối quan hệ bền vững, nhờ đó, giúp bạn thực hiện được những điều bạn muốn trong cuộc sống và công việc:
- Hiểu được tầm quan trọng của các mối quan hệ và bản thân muốn gì ở các mối quan hệ.
- Liệt kê các cách thức để tạo kết nối.
- Luôn giữ "phong độ" trong việc xây dựng và duy trình các mối quan hệ.
- Mối quan hệ phải có lợi từ đôi bên, nhưng trước tiên bạn phải làm cho bản thân có giá trị.
1. Hiểu được tầm quan trọng của các mối quan hệ và bản thân muốn gì ở các mối quan hệ
Nếu bạn không thể hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ thì bạn sẽ không có động lực để tìm kiếm các mối quan hệ. Xây dựng nhân lực là một điều kiện cần để thành công hoặc ít nhất là "để được việc", và một cách để tìm kiếm các nguồn lực là từ các mối quan hệ.
Cùng học ngành điện, nhưng 1 sinh viên có cha là thầu dự án điện có thể dắt người con thị sát công trình thực tế, và làm "chân sai vặt" cho người cha để có cơ hội học hỏi: khi được tận mắt thấy các đoạn cáp chôn bên dưới ra sao, nước tràn vào tủ điện gây thiệt hại như thế nào, sinh viên này đã có được nhiều hiểu biết hơn so với những bạn học cùng trang lứa. Đây là 1 ích lợi rất rất lớn mà một mối quan hệ có thể mang lại; vì đơn giản, nó giúp bạn loại bỏ những giai đoạn dư thừa, những điều mà chắc chắn bạn sẽ mắc phải nếu không có sự dẫn đường.
Ở đây, tôi hoặc tác giả quyển sách này - Keith Ferrazzi - không cổ xúy cho việc chỉ trông cậy vào các mối quan hệ mà bỏ qua sự nỗ lực. Nỗ lực hay xây dựng quan hệ đều là các điều kiện cần mà bạn phải bổ sung hằng giây một.
Phần này của sách, tác giả nêu các lợi ích của việc xây dựng các mối quan hệ; trong đó, bản thân tôi thấy phần hữu ích ở chỗ các mối quan hệ từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn tôi sẽ giúp tôi minh bạch nhiều vấn đề, hiểu được bản thân muốn gì và phải làm gì.
Bạn cũng cần lưu ý đến những sự vụng về có thể đến từ 1 mối quan hệ không giá trị hoặc tự đánh mất giá trị do những biểu hiện kém của bản thân. Sách liệt kê ra 6 trường hợp, và mặc dù những nhược điểm này còn nhiều, nhưng tôi có thể kể về trải nghiệm của bản thân cho trường hợp đầu tiên, và dành cho bạn tìm hiểu các trường hợp còn lại.
- Nói nhảm.
- Đặt điều.
- Thiếu tinh tế trong việc gửi quà.
- Đối xử tệ với cấp dưới.
- Không minh bạch.
- Tham lam.
"Nói nhảm" cũng được nhiều người xem là "vui tính". Trong cuộc đối thoại, nếu muốn giảm sự căng thẳng trong cuộc nói chuyện thì thay bằng một câu bông đùa nhẹ nhàng, đừng để sự vui tính biến thành "nhây". Vì đôi lúc, việc nhận thông tin sai lệch từ những câu đùa vô ý làm tốn nhiều sức lực để xác minh, cũng như việc 1 quyển sách viết lan man cũng làm tốn nhiều năng lượng đọc. Nên tôi thường chọn cách nói trực tiếp vào vấn đề để xử lý các sự vụ, để tránh việc hao phí thời gian.
2. Bạn cần liệt kê các cách thức để tạo nên kết nối
Mặc dù phép liệt kê ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm vì "mất thời gian, nhớ là được". Và bạn sẽ bị thiếu sót khi thực thi vì "nhớ trước, quên sau". PowerPoint ra đời ngoài chuyện giảm bớt sự nhàm chán khi thuyết trình, nó giúp hệ thống được nội dung cần nói, cần nghe.
Tác giả cũng liệt kê nhiều phương pháp hữu ích để tạo ra các kết nối, trước mắt tôi liệt kê vài mục trong quyển sách này:
- Soạn bài tập ở nhà.
- Hâm nóng những cuộc gọi lạnh.
- Vượt qua người giữ cửa.
- Đừng bao giờ đi ăn một mình.
- Chia sẻ đam mê.
- Theo dõi hay thất bại.
- Biến mình thành nhân vật chính khi dự hội thảo.
- Và các phương pháp khác.
Tôi cũng nêu vài tâm đắc của bản thân trong phần này:
Soạn bài tập thực chất là việc chuẩn bị 1 kế hoạch hoàn hảo để tiếp cận người nghe. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cá nhân hoặc nhóm làm việc của bạn, nó là tiền đề để bạn thực hiện các bước về sau khi muốn tiếp cận 1 người mới.
Hâm nóng những cuộc gọi lạnh đề cập đến cách tạo ra kết nối với những người "mới toanh". Tác giả cũng chỉ ra các chiêu thức đường vòng: mối quan hệ đó bạn không thể trực tiếp hẹn, nhưng bạn có thể tìm xem bạn có những mối quan hệ nào dẫn đến họ hay không: BẠN ↔ TRUNG GIAN A ↔ TRUNG GIAN B ↔ ... ↔ MỤC TIÊU. Đây là cách đơn giản, chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ và đương nhiên "binh bất yếm trá", bạn có thể sử dụng sự kiên trì, lòng chân thành của mình để kết tạo mối quan hệ với người bạn muốn làm quen mà những người khác không hiểu được vì sao bạn có thể làm được điều mà họ không thể làm.
Thật sự còn có nhiều cách thức để tạo kết nối, và đủ mọi "giá cả" cho điều này; và dĩ nhiên hiệu quả cũng tùy vào việc bạn đã quan tâm họ đến mức nào.
3. Luôn giữ "phong độ" trong việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ
- Luôn giúp đỡ người khác.
- Tạo ra kết nối giá trị cho nhiều mối quan hệ.
- Giữ tương tác không ngừng.
- Những buổi tiệc và sự kết nối.
Nếu là người kinh doanh lâu năm, ắt hẳn sẽ nghe nhắc đến điều này rất nhiều lần: "Người ta mua giá trị mà bạn mang lại cho họ, không phải hàng hóa", trong mối quan hệ cũng vậy, người ta kết nối với bạn vì lợi ích, hoặc vì sự quan tâm của bạn đến họ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người bán hàng online sử dụng công cụ "auto like" để tỏ ra quan tâm đến người khác, nhưng thực tế, đó chỉ là tình cảm của 1 con bot.
Bỏ qua việc đánh giá đúng hay sai khi sử dụng công cụ tăng tương tác, nhưng cơ bản, sự tương tác là điều nên được làm thường xuyên tùy vào mức độ thân, sơ của mối quan hệ. Dựa trên nguyên tắc này, những buổi tiệc chiêu đãi thường được tạo ra để duy trì và phát triển mối quan hệ.
Trong trường hợp buổi gặp gỡ có nhiều người với những điểm không tương đồng nhau, chắc chắn buổi gặp sẽ tạo thành các nhóm và bạn không cách nào kết dính những mối quan hệ này được. Do đó, sách cũng chỉ ra rằng bạn cần có những điểm kết nối, tìm kiếm thêm những người có được nhiều khả năng của nhiều nhóm người và họ sẽ làm việc đó thật tốt cho bạn.
Ở đây tôi không dùng ví dụ trong sách vì nhiều ví dụ sẽ khá xa lạ với tư duy phương Đông, nhưng tôi dùng 1 trường hợp trong buổi gặp gỡ của STDIO với nhiều người: tôi là 1 kỹ sư điện sẽ dễ dàng hòa nhóm với kỹ sư điện, nhưng anh em trong lĩnh vực phần mềm sẽ hợp với nhóm phần mềm. Như vậy, chúng tôi có ít cơ hội mở rộng các mối quan hệ, tuy nhiên có đến tận 2 điểm chung làm chúng tôi có thể kết nối:
- Chúng tôi đều quan tâm đến hoạt động của 1 hệ thống đang làm chung.
- Chúng tôi đều quen biết với nhóm các anh em làm kinh doanh và ngược lại, để phát triển kinh doanh họ cũng là những người cởi mở để chủ động với chúng tôi để "tìm mối".
4. Mối quan hệ phải có lợi từ đôi bên, đầu tiên là bạn phải làm cho bản thân trở nên có giá trị
Bạn không tạo ra giá trị cho người khác, thì họ có lý do gì phải tạo ra giá trị cho bạn?
Ở phần cuối cùng này, tác giả đề cập các vấn đề về xây dựng thương hiệu bản thân bằng quy luật cơ bản: cho và nhận.
- Bạn phải tạo ra giá trị cho người khác.
- Bạn phải làm cho người khác biết rằng bạn đang tạo ra giá trị.
* Bạn phải tạo ra giá trị cho người khác là điều mà tôi được nghe rất nhiều lần, từ các lời khuyên của những người thành công, những anh chị đi trước hoặc qua các chia sẻ, bài viết (Thương Lượng Không Nhân Nhượng), đủ để bạn thấy rằng mang đến giá trị cho người khác là điều tiên quyết cho bất kỳ điều gì.
Từ 2 điều cơ bản trên, bạn sẽ làm thêm các công việc để đạt được mục tiêu này hoặc thực hiện nó song song với 2 điều trên:
- Viết hoặc chia sẻ những giá trị của mình.
- Đối xử với mọi người 1 cách công bằng dù là người nổi tiếng hay những người bình thường.
- Tạo ra cộng đồng có cùng điểm gắn kết chung.
- Khiêm tốn.
- Tìm người giúp đỡ và giúp đỡ người khác.
Tôi chỉ có thể rút trích được những lời khuyên mà tôi thấy phù hợp trong rất nhiều lời khuyên của quyển sách từ phần này và phân tích nó:
Viết hoặc chia sẻ những giá trị của mình
Bạn không chia sẻ những hiểu biết của mình, người khác sẽ không thể giúp bạn chỉ rõ được điểm thiếu sót hoặc có thể biết được những công trình mà bạn đang tạo dựng để cùng đóng góp, hoặc tiêu dùng sản phẩm của bạn.
Đối xử với mọi người 1 cách công bằng dù là người nổi tiếng hay những người bình thường
Mọi người có xu hướng thiên vị khi gặp 1 người 1 nổi tiếng hoặc có quyền lực hơn bởi tâm lý ngưỡng mộ sự đóng góp của người đó. Nhưng về phía người có địa vị lại luôn có sự đề phòng đối phương sẽ có những toan tính lên bản thân họ, vì e ngại đối phương biết được các năng lực của họ.
Đối xử chân thành và công bằng với cả người có địa vị sẽ giúp được họ biết được bạn đáng để kết giao vì bạn không có 1 kế hoạch nào để "nhờ vả" hay lợi dụng họ.
Khiêm tốn
Khi đạt được 1 thành tựu nhất định tiệm cận với những người có quyền uy, hay chí ít bạn có được 1 trình độ cao về nghề nghiệp, bạn có thể bắt đầu kiêu ngạo. Điều này chỉ đẩy những người xung quanh ra xa bạn. Bạn cũng có thể bị che đậy sự thật rằng những thành tựu của mình đến từ 1 đội ngũ và bạn vô tình tước đoạt hết công lao của họ để giành vinh quang riêng mình.
Tệ hơn với các mối quan hệ mới phát triển, họ đã có khoảng cách ngay từ đầu với những điều phù phiếm. Nếu có 1 lời khuyên nào cho thời kỳ đỉnh cao của 1 con người thì đó là phải luôn luôn thu liễm, có như vậy bạn mới chuẩn bị tâm sức để đi lên 1 đỉnh cao mới, và tất nhiên nó sẽ giúp bạn hòa mình vào các mối quan hệ.
Tái bút
Khi viết nhận xét và tóm lược nội dung quyển sách này, tôi chợt nhớ đến bức ảnh Steve Jobs sắp đặt 1 buổi ăn trưa cho ban giám đốc NeXT và nhà đầu tư Ross Perot tại 1 nơi được dự định trở thành nhà máy sản xuất máy tính NeXT. Sau đó, Perot đã đầu tư 20 triệu USD vào NeXT để giúp công ty phát triển.
Trong sự non trẻ và đơn độc của những ngày đầu khởi nghiệp, nó khiến tôi nhận thức được nhiều hơn về sức mạnh của tập thể, của các mối quan hệ và các đòn bẩy. Điều này cũng không liên quan nhiều đến bài viết nhưng nó làm tôi luôn ghi nhớ, tạo dựng các mối quan hệ mới cho thành công của riêng mình.
Về các startup và những người mới khởi nghiệp, mặc dù biết được tầm quan trọng của các mối quan hệ, nhưng tâm lý con người vẫn có sự trì hoãn và nó là rào cản để phát triển vượt bậc. Hy vọng nội dung bài viết và quyển sách có thể trở thành hồi chuông báo hiệu mỗi khi bạn chùng cảm giác trong việc xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ.
Thực tế, việc trân trọng và xây dựng các mối quan hệ cũng là biểu hiện của lòng biết ơn và sự khiêm tốn. Bạn luôn quý trọng những kinh nghiệm của người khác để học hỏi, để kế thừa cho công việc của mình chứ không quá tự cao để nghĩ rằng nỗ lực của bản thân mới là số 1.